foto1
foto1
foto1
foto1
foto1

294.3855246 - Số nội bộ: 232
lrc@tvu.edu.vn
Liên hệ:



 
Tác giả: TS. Huỳnh Công Tín.
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia. Năm XB: 2012.
Số trang: 258Tr. Kích thước: 14,5 x 20,5cm.
Hình thức bìa: bìa mềm.
Số định danh: 305.89597 T311.
 
 

Giới thiệu:

Nam Bộ xưa nay nổi tiếng là vùng đất đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi. Với ưu thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, bưng biền ngập nước mênh mông, nơi đây trở thành vùng đất giàu sản vật quý; phong phú, đa dạng về động, thực vật; bạt ngàn những rừng cây, vườn tược… Bên cạnh đó, Nam Bộ lại có bề dày tiến trình lịch sử văn hóa. Điều này cùng với vị thế địa lý, phần nào tạo ra nền văn hóa Nam Bộ có những nét diện mạo đặc thù so với các vùng văn hóa khác ở Việt Nam. Đây là vùng đất giàu sức trẻ, có sự đoàn kết của nhiều dân tộc từ thuở đi mở cõi, khai hoang cho đến nay vẫn dày công gây dựng. Sự tác động của môi trường làm người dân miền sông nước rất đỗi bình dị, chất phác, chân tình và cũng không kém phần phóng túng, thoải mái. Tất cả những điều này góp phần đáng kể cho lĩnh vực văn hóa – văn chương của vùng đồng bằng Nam Bộ với những nét đặc trưng riêng biệt.

Nhận xét về văn chương Nam Bộ, trước giờ vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, nhưng một điều hầu như ai cũng đồng tình - văn chương nơi đây là một dòng chảy ngầm, có những giá trị tích cực nhất định cho việc nghiên cứu bản sắc văn hóa vùng miền và văn chương nước nhà trong thời buổi hội nhập. Đến nay, nền văn học của mảnh đất cuối trời quê hương đã chứng kiến sự góp mặt của nhiều văn nghệ sĩ gạo cội như Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Viễn Châu, Dạ Ngân… Nguồn nhân lực phong phú với lượng tác phẩm dồi dào khiến nơi đây chiếm được cảm tình của nhiều nhà nghiên cứu, trong đó phải kể đến Tiến sĩ Ngôn ngữ học Huỳnh Công Tín, nguyên giảng viên Khoa sư phạm Trường Đại học Cần Thơ. Từ vùng đất này, ông đã nhiều năm trăn trở, dày vò, nghiên cứu, sáng tạo, hoàn thành một công trình ngôn ngữ có giá trị thực tiễn cao như Từ điển Từ ngữ Nam Bộ, hay Ấn tượng văn hóa đồng bằng v.v.. Đồng thời, như một lời tri ân sâu sắc với đất Mẹ, cuốn sách Văn chương miền sông nước Nam Bộ lại được ra mắt độc giả.

Quyển sách điểm lại những áng văn thơ, những gương mặt sáng giá của nền văn học miền Nam Tổ quốc như một sự ghi nhận và lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người dân miền sông nước. Những tác giả, tác phẩm được sắp xếp theo trình tự thời gian một cách có hệ thống, phần nào giúp người đọc định hình một cách cơ bản nền văn học miền sông nước Nam Bộ từ cuối thế kỉ XIX đến nay.

Như một món quà gửi tặng những người yêu văn học, cuốn sách giúp người đọc có dịp nhìn lại và có những cảm nhận nhất định về sự phát triển, tồn đọng của văn chương miền sông nước qua một thế kỉ. Với 254 trang in và được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản, cuốn sách Văn chương miền sông nước Nam Bộ thể hiện được cái nhìn, quan điểm và những đánh giá, bàn luận của Tiến sĩ Huỳnh Công Tín về những áng thơ văn, những tên tuổi văn nghệ sĩ của vùng đất Nam Bộ, bao gồm: Hoài cổ phú của Võ Trường Toản; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu; 10 bài họa liên hoàn của Phan Văn Trị trong cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường; Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX qua cái nhìn Hồ Biểu Chánh; Đồng quê, Dân quê, Tình quê của Phi Vân (Lâm Thế Nhơn) – Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 10/2007; Nam Bộ xưa qua cách viết Bình Nguyên Lộc; Sơn Nam - nhà Nam Bộ học (tháng 1/2006 – mừng thọ nhà văn Sơn Nam), Hạt bụi nghiêng mình – bài thơ độc nhất của Sơn Nam, thay lời tựa được in trong Hương rừng Cà Mau; Đôi thi sĩ Hà Tiên: Đông Hồ, Mộng Tuyết; Nguyên Hùng – Cây viết Nam Bộ thời chống Pháp; Lời từ ca cổ của Viễn Châu; Hồn quê nam Bộ qua tản văn Dạ Ngân; Nguyễn ngọc Tư – hiện tượng văn chương đất mũi và Dấu ấn đồng bằng sông nước trong thơ.

Tuy không đi vào toàn cảnh văn chương miền sông nước, nhưng người viết chọn lọc được những tác giả, tác phẩm, những vấn đề nổi cộm để khai thác. Mỗi một bài viết trong quyển sách đều được ngưởi viết nghiên cứu, phân tích kĩ lưỡng, đồng thời thể hiện rõ suy nghĩ về bức tranh vùng đất và con người Nam Bộ. Người viết cũng cố gắng chỉ ra được sự nổi bật, cái hay, cái đẹp trong nội dung, văn phong, và cách vận dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ của mỗi tác giả… Từ đó, thể hiện rõ nét đặc trưng trong văn chương vùng đất cuối cùng của Tổ quốc cả về nội dung lẫn hình thức: không gian đậm chất Nam Bộ, câu chữ mộc mạc, cách hành văn giản dị tạo nên sự gần gũi, chân thật mang đậm hơi hướng, bản sắc của cuộc sống sông nước.

Cuốn sách một lần nữa như khẳng định vốn văn hóa dân gian truyền thống Nam Bộ tự bao đời, có thể, có những đóng góp đáng kể cho văn học miền Nam nói riêng, văn học cả nước nói chung. Đồng thời gián tiếp cho thấy văn chương Nam Bộ đã và đang dần khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy chung của văn chương nước nhà. Mong rằng ngày càng có nhiều tác phẩm hay và sâu đậm đủ sức đánh lên một tiếng chuông ngân xa, tạo được một dòng chảy thật sự mạnh mẽ cho văn học đồng bằng.

Tin rằng, quyển sách sẽ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức và thu hút đông đảo bạn đọc yêu văn chương miền đất cuối trời quê hương. Cuốn sách nay đang phát hành tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Chi nhánh Cần Thơ, số 5C, đường 30/4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Thư viện xin trân trọng giới thiệu quyển sách cùng các bạn độc giả.

Mỗi tuần một quyển sách


Trung tâm Học liệu - Phát triển Dạy và Học

Số 126 - Nguyễn Thiện Thành, Khóm 4, phường 5, Thành phố Trà Vinh - Tỉnh Trà Vinh.

Điện thoại: (+84).294.3855246 số nội bộ: 232. Fax: (+84).294.3855217. Email: lrc@tvu.edu.vn