foto1
foto1
foto1
foto1
foto1

294.3855246 - Số nội bộ: 232
lrc@tvu.edu.vn
Liên hệ:



Tác giả: Nguyễn Xuân Nghiêm. PGS. TS. Phan An (người hướng dẫn khoa học).

Trường Đại học Trà Vinh. Năm: 2015. Mô tả: 147Tr. Kích thước: 30cm. Số định danh: 392.50959787 / Ngh304. Vị trí: Phòng Tài nguyên nội sinh.

Tóm tắt:

Từ khi Việt Nam ta mở cửa hội nhập quốc tế thì vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nói chung, là một hiện tượng bình thường, phù hợp với qui luật tự nhiên của xã hội, pháp luật Việt Nam không hề ngăn cấm. Nhưng vấn đề đặt ra là trong những năm gần đây, tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài là vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, nhiều cô gái Việt Nam khi về nhà chồng bị hành hạ, ngược đãi do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... và sau đó trở về quê hương đã kéo theo hệ quả là những đứa con lai về Việt Nam với mẹ vướng phải các thủ tục pháp lý liên quan đến Luật cư trú, hộ khẩu và quốc tịch cũng như quyền lợi trong học hành, chăm sóc sức khỏe...

Chúng ta không thể phủ nhận sự thật là hôn nhân có yếu tố nước ngoài là kết quả của toàn cầu hóa trong lĩnh vực kinh tế trên thế giới. Hiện nay, chúng ta nhìn nhận và xem hôn nhân có yếu tố nước ngoài là điều rất tựnhiên và bình thường và toàn cầu hóa theo dòng chảy kinh tế. Như vậy , việc phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ huyện Bình Tân quyết định đi đến hôn nhân với người Đài Loan, người Hàn Quốcđều xuất thân từ những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn,không có công việc ổn định, chủ yếu sống dựa vào gia đình, trình độ học vấn thấp, không có điều kiện tiếp cận thông tin, càng không am hiểu về pháp luật. Do đó họ mong muốn kết hôn với người nước ngoài để có cuộc sống sung túc hơn.

Từ góc nhìn văn hóa, có thể thấy rằng những người kết hôn có yếu tố nước ngoài phải đối mặt với những vấn đề về tiếp nhận văn hóa và thích ứng văn hóa Đài Loan, Hàn Quốc. Quá trình tiếp nhận và thích ứng văn hóa là một quá trình lâu dài và cần sự nỗ lực của cá nhân cũng như sự giúp đỡ của cộng đồng. Nếu trước đây các cuộc hôn nhân chỉ diễn ra trong phạm vi quốc gia thì đến đầu thế kỷ 21 những cuộc hôn nhân đã chuyển hướng ra nước ngoài và gia tăng nhanh chóng. Qua thực tế cho thấy, việc phụ nữ huyện Bình Tân kết hôn có yếu tố nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể cho kinh tế của gia đình và xã hội, và các cuộc kết hôn này cũng cho ta thấy rõ nét các trường hợp hôn nhân có kết quả tại nước sở tại Đài Loan, Hàn Quốc đã tạo được mối quan hệ ban giao của Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, ở huyện Bình Tân vẫn còn một số cuộc hôn nhân chưa theo như ý muốn và hậu quả là thất bại trở về quê hương, và đã gây bức xúc dư luận địa phương, làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự.

Có thể nói, ngoài những lý do nêu trên phụ nữ huyện Bình Tân kết hôn với người nước ngoài còn có những yếu tố khác như: kết hôn để được bảo lãnh ra nước ngoài, kết hôn để được nhập quốc tịch nước ngoài, kết hôn để được bằng chị bằng em… các nguyên nhân này tuy không chủ yếu nhưng lại là những nguyên nhân có thực đang tồn tại ở huyện Bình Tân. Nghị định 68/2002/NĐ-CP và Nghị định 69/2006/NĐ-CP cho phép từ chối đăng ký kết hôn, nhưng Bộ Tư pháp chưa có văn bản hướng dẫn xác định các căn cứ cụ thể làm cơ sở cho việc từ chối, cũng như hướng dẫn hoạt động cho trung tâm hỗ trợ kết hôn trong việc thực hiện chức năng tư vấn, môi giới hôn nhân. Vấn đề cấp bách hiện nay là Ngành tư pháp cần phải phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và một số cơ quan hữu quan tham mưu hoàn chỉnh các quy định hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để bộ ngành Trung ương trình Chính phủ và Quốc Hội phê duyệt. Cần tăng cường hơn nữa việc hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra các địa phương trong việc thụ lý, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, tiêu cực trong công tác này. Các ngành các cấp phải chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đặc biệt, phải quan tâm đến việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống cho những phụ nữ còn khó khăn, những phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và những người bị buôn bán hoặc do hôn nhân bất hạnh trở về quê hương làm ăn sinh sống. Việc tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng các gương điển hình, tiên tiến, những người biết vượt lên số phận, hay tổ chức những cuộc tọa đàm, trao đổi trực tiếp với những người đã từng là nạn nhân của buôn bán, bất hạnh để răng đe mà đề tài này đã đề cặp mà theo tôi đây là những việc nên làm ngay.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Thanh Thảo. PGS. TS. Huỳnh Quốc Thắng (người hướng dẫn khoa học).

Trường Đại học Trà Vinh. Năm: 2015. Mô tả: 148Tr. Kích thước: 30cm. Số định danh: 305.8959 / Th108. Vị trí: Phòng Tài nguyên nội sinh

Tóm tắt:

Luận văn “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các thiết chế nhà văn hóa xã ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long” được tiến hành từ tháng 4 năm 2014. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu được xác định là các thiết chế văn hóa xã mà trọng tâm và đi sâu là chất lượng và hiệu quả hoạt động của các thiết chế nhà văn hóa xã tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Quá trình thực hiện được tác giả chia ra các giai đoạn cụ thể:

1. Hoàn thành đề cương luận văn theo nội dung đề tài.

2. Tiến hành điều tra, khảo sát nắm tư liệu, thông tin về chất lượng và hiệu quả, hoạt động các thiết chế nhà văn hóa trên địa bàn huyện Vũng Liêm và các đơn vị khác trong huyện. Song song đó là việc phát phiếu điều tra xã hội học về hoạt động các thiết chế văn hóa trongphạm vi nghiên cứu luận văn.

3. Hoàn thiện nội dung luận văn theo từng công việc của đề cương với kết quả nghiên cứu, thu thập tài liệu và các minh chứng liên quan đến nội dung luận văn có tham khảo ý kiến người hướng dẫn khoa học.

Nội dung luận văn thể hiện mong muốn là ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các thiết chế nhà văn hóa xã trên địa bàn huyện Vũng Liêm trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Chúng ta cần nhìn nhận thực tế về chất lượng hoạt động của nhà văn hóa với những thống kê tổng quát các số liệu và phương thức tổ chức hoạt động để thấy được những hạn chế yếu kém và những điểm bất cập trong thực hiện các chủ trương, đường lối khi được tổ chức thực hiện, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Từ đó tác giả luận văn đưa ra mộtsố quan điểm, định hướng chung trên tinh thần các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở để xây dựng tầm chiến lược về mô hình hoạt động các thiết chế và tạo dựng “thương hiệu văn hóa” áp dụng vào thực tế hoạt động của các nhà văn hóa xã.

Hơn nữa, hoạt động của các nhà văn hóa xã cần có sự thiết chế hóa các nội dung hoạt động để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong điều kiện tối thiểu. Cần phát huy vai trò của văn hóa và ảnh hưởng của nó đến việc phát triển kinh tế và phải đặt việc phát triển kinh tế trong sự quản lý của văn hóa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và định hướng trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, quá trình giao lưu và hội nhập sẽ dẫn đến sự hình thành cộng đồng chung trong khu vực, trong đó văn hóa là một trong những nội dung hội nhập mạnh mẽ và quyết liệt nhất, nên việc phát huy nội lực văn hóa của dân tộc và từng địa phương là vấn đề quan trọng, cần sự quan tâm, đầu tư sâu sát từ các cấp ủy Đảng để có những chiến lược phát triển văn hóa nói chung sát yêu cầu thực tế của từng địa phương, đơn vị.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sựnghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những tiềm năng về con người huyện Vũng Liêm đang đứng trước những thuận lợi cơ bản cũng như những thách thức. Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các thiết chế nhà văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà về phát triển văn hóa –xã hội trên địa bàn huyện.

 

Tác giả: Lê Nguyễn Minh Trí. TS. Nguyễn Ngọc Thơ (người hướng dẫn khoa học).

Trường Đại học Trà Vinh. Năm: 2015. Mô tả: 168Tr. Kích thước: 30cm. Số định danh: . Vị trí: Phòng Tài nguyên nội sinh

Tóm tắt:

Người Hoa Triều Châu là một bộ phận của người Hán đã di cư, định cư và phát triển tại vùng đất Vĩnh Long từ rất lâu, hầu như là cùng lúc với người Việt. Chính sự hiện diện của họ tại đây đã tạo nên một vùng đất Vĩnh Long với những nét văn hóa khá phong phú và đa dạng.

Quan niệm về tang ma của người Hoa Triều Châu chịu sự ảnh hưởng bởi các quan niệm về linh hồn trong tín ngưỡng vạn vật hữu linh cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Nho giáo.

Việc tang được người Triều Châu nói tránh là pệch xừ (白事, bạch sự) được tính từ thời điểm người ta hấp hối. Nghi lễ đầu tiên phải làm là chăm sóc cho người thân lúc lâm chung, đây là một nghi lễ quan trọng, nó thể hiện sự hiếu thuận của con cháu đối với người sắp ra đi.

Khi người thân hấp hối sẽ được chuyển ra vị trí ở giữa nhà, đầu hướng ra cửa. Theo tập quán, khi gia đình có người già lâm trọng bệnh, con cháu gần xa sẽ sớm được báo tin để kịp bôn tang (về gặp người thân lần cuối).

Phong tục Tang ma truyền thống của người Hoa Triều Châu nhìn chung được chia làm 03 giai đoạn với nhiều nghi thức, lễ nghi rất phức tạp.

Lễ Chiêu hồn: người xưa gọi Chiêu hồn là "Phục" với ý nghĩa là hô gọi hồn phách người quay về thể xác, hy vọng đạt được sự phục sinh.

Nghi thức Mộc dục (lau rửa thi thể): Theo truyền thống, khi cha hoặc mẹ mất thì người con trai lớn phải mang bình hoặc siêu đi ra bờ sông hoặc sang nhà hàng xóm để xin mua nước về tắm cho cha mẹ.

Nghi thức lễ Liệm: Lễ liệm hay còn gọi là tiểu liệm hoặc sơ liệm được bắt đầu từ khi người thân đã tắt thở.

Nghi thức Phạn Hàm: Lễ Phạn Hàm (饭含) là nghi thức đúc cơm báo hiếu với chữ "Phạn" tức là cơm, chữ "Hàm" tức là ngậm. Sau khi tắm gội và thay quần áo mới cho người chết xong thì người ta sẽ tiến hành lễ Phạn Hàm.

Nghi thức Đại Liệm: Lễ Đại liệm còn gọi là nghi thức nhập liệm, đây là nghi thức cầu siêu để chuẩn bị đưa thi thể người quá cố vào quan tài.

Nghi thức Nhập quan: Nghi thức Nhập quan của người Hoa Triều Châu phải bắt đầu từ việc lựa chọn cổ áo quan. Quan tài truyền thống của người Hoa Triều Châu thường được gọi là hòm mang cá.

Nghi thức cầu siêu: Người Hoa Triều Châu có đời sống tâm linh đan xen nhiều tầng, lớp văn hóa rất phức tạp và khó lý giải, cho nên nghi thức cầu siêu trong tang ma của họ cũng rất phức tạp.

Nghi thức Thấn (Quàn): Trong thời gian chờ tới ngày giờ tốt để đem linh cữu người đã khuất đi chôn, người ta để linh cữu người đã khuất tại nhà để bạn bè, hàng xóm, láng giềng phúng viếng, đây cũng là thời gian để chờ đợi người thân đi làm ăn phương xa chưa về kịp.

Nghi thức Xuất thấn (chôn): Đúng ngày, giờ gia tang bắt đầu thực hiện nghi lễ tiễn đưa người quá cố đi chôn cất. Người Hoa Triều Châu gọi nghi thức Xuất thấn là Xúc xua (出山, xuất sơn).

Các nghi thức sau khi chôn cất và lễ giỗ: Theo phong tục truyền thống của người Hoa Triều Châu, tang lễ kết thúc người ta bắt đầu dựng Xuân đường (椿堂) hoặc Huyên đường (萱堂) tùy theo giới tính người quá cố để thờ phụng người đã khuất.

Theo phong tục, người ta phải chịu tang 03 năm, nhưng ngày nay họ thường thực hiện xả tang trong các lần cúng thất hoặc 100 ngày.

Tang lễ của người Hoa Triều Châu là sự kiện quan trọng nhất của gia đình, gia tộc, dòng tộc và cả cộng đồng xã hội xung quanh. Các nghi thức lễ tang làm nổi bật nét đặt trưng trong văn hóa tộc người của người Hoa Triều Châu.

Hiện nay, việc biến đổi văn hóa trong lễ tang của người Hoa Triều Châu ở Vĩnh Long diễn ra khá mạnh mẽ do các điều kiện về dân số, kinh tế, xã hội… nên Đảng và Nhà nước cần có nhiều hơn nữa những chủ trương, chính sách để có thể bảo tồn đặc trưng văn hóa tộc người của người Hoa nói chung. Qua đó góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Tác giả: Đặng Thị Nguyên Khang. TS. Nguyễn Xuân Hương (người hướng dẫn khoa học).

Trường Đại học Trà Vinh. Năm: 2015. Mô tả: 195Tr. Kích thước: 30cm. Số định danh: 398.0959787 / Kh106 . Vị trí: Phòng Tài nguyên nội sinh

Tóm tắt:

Miếu Thiên Hậu của người Hoa ở thành phố Vĩnh Long được xây dựng cách đây 116 năm nhưng vẫn giữ nguyên được các yếu tố gốc. Ngôi miếu mang trong mìnhnhững giá trị văn hoá lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông ở Vĩnh Long. Đồng thời, miếu cũng đã phô diễn khá rõ nét những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng, tiêu biểu là các lễ hội đã làm cho miếu Thiên Hậu trở thành một di tích thiêng, đáp ứng được nhu cầu mong muốn được thần linh phù hộ, độ trì của cộng đồng người Hoa ở Vĩnh Long. Người Hoa đến dự lễ để khấn vái, cảm tạ, tỏ lòng biết ơn với Bà Thiên Hậu đã phù hộ tổ tiên họ trên bước đường thiên di đến vùng đất mới và phù hộ cho họ trong cuộc sống.

Trong Luận văn này, tôi tập trung tìm hiểu, khảo tả di tích miếu Thiên Hậu và làm rõ những ý nghĩa, giá trị về văn hóa tộc người, qua đó góp phần phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc củangười Hoa ở Nam Bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Trong phạm vi đề tài này, tôi tập trung những vấn đề cơ bản đó là:

Tìm hiểu di tích miếu Thiên Hậu thông qua việc khảo tả về trang trí kiến trúc, tượng thờ, đồ thờ, tục thờ Thiên Hậu.

Miêu thuật lễ lệ, lễ hội và các phong tục liên quan đến tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tại miếu Thiên Hậu.

Làm rõ những ý nghĩa và giá trị văn hoá tín ngưỡng tâm linh, qua đó góp phần cung cấp tư liệu khoa học về di tích miếu Thiên Hậu và sinh hoạt tín ngưỡng tại miếu Thiên Hậu của người Hoa ở thành phố Vĩnh Long.

Để thực hiện đề tài này, tôi đã lựa chọn các phương pháp:khảo sát, điền dã; so sánh và phương pháp tiếp cận liên ngành (dân tộc học, văn hóa học, lịch sử học); phương pháp phỏng vấn, phỏng vấn sâu để có kết luận chính xác hơn.

Về bố cục của luận văn, ngoài phần mở đầu, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn được chia thành ba chương:

Chương 1: Giới thiệu khái quát về thành phố Vĩnh Long và cộng đồng người Hoa ở thành phố Vĩnh Long. Làm rõ sự hình thành cộng đồng người Hoa; đặc trưng về văn hóa - tín ngưỡng; tục thờ Thiên Hậu thông qua việc tìm hiểu quan niệm niềm tin, truyền thuyết, thần tích của Thiên Hậu Thánh Mẫu và thiết chế thờ phụng Thiên Hậu Thánh Mẫu tại thành phố Vĩnh Long.

Chương 2: Đề cập đến đặc điểm miếu Thiên Hậu. Chương này, tôi cố gắng khảo tả trang trí kiến trúc miếu, điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và các nhân vật phối thờ cùng với các di vật trong miếu Thiên Hậu; miêu thuật những lễ lệ, lễ hội và các phong tục liên quan. Đồng thời, bằng phương pháp so sánh, tôi đã tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt của di tích miếu Thiên Hậu ở thành phố Vĩnh Long so với các cơ sở thờ tự Thiên Hậu ở các miền của đất nước.

Chương 3: Phát huy giá trị di tích miếu Thiên Hậu hiện nay thông qua việc làm rõ vị thế miếu Thiên Hậu trong đời sống văn hóa cộng đồng người Hoa Vĩnh Long; tìm hiểu những giá trị văn hoá của di tích miếu Thiên Hậu và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại miếu. Đánh giá hiện trạng di tích miếu Thiên Hậu, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người.

Cuối cùng, trong phần kết luận, tôi khái quát lại những nội dung chính của luận văn, đồng thời khẳng định miếu Thiên Hậu là cơ sở tín ngưỡng rất quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Vĩnh Long.

 

Tác giả: Bùi Minh Hoài. TS. Nguyễn Ngọc Thơ (người hướng dẫn khoa học).

Trường Đại học Trà Vinh. Năm: 2015. Mô tả: 182Tr. Kích thước: 30cm. Số định danh: 392.50959787/ H404. Vị trí: Phòng Tài nguyên nội sinh

Tóm tắt:

Lễ cưới của người Hoa Triều Châu thường được tổ chức theo các trình tự như sau:

- Giai đoạn tiền ngưỡng, bao gồm các lễ:

Lễ trưởng thành hay còn gọi là lễ “Xuất hoa viên”: đây là nghi lễ thành đinh cho con trai và lễ ra vườn hoa (bông) dành cho con gái nhằm từ biệt tuổi ấu thơ để bước vào tuổi trưởng thành.

Lễ Nạp thái (dạm ngỏ):là kết quả kết nối của người mai mối để hai họ bằng lòng với nhau. Sau đó họ nhà trai sẽ sắm một lễ vật đến nhà gái với ý nghĩa mong được hỏi vợ cho con trai . Khi họ nhà gái chấp nhận tiếp xúc với họ nhà trai thì họ nhà trai sẽ viết một bức thư có nội dung muốn ngỏ ý cầu hôn và xin được bước sang nhà gái để bàn tính hôn sự. Đây là bức thư thứ nhất trong bộ tam thư.

Lễ Vấn danh: nhà trai nhờ người mai mối đến nhà gái hỏi tên, tuổi, ngày, giờ sinh, tháng đẻ của cô gái và họ của cha mẹ cô gái để về đi xem bói. Trong lễ này người mai mối mang theo một bức thư để hỏi nhà giá những chi tiết về người con gái (bức thư thứ hai trong bộ tam thư).

Lễ nạp trưng: lễ vật mang sang nhà cô dâu khoảng từ tám đến mười haimâm tùy theo hoàn cảnh gia đình, đồng thời nhà trai sẽ gửi cho cô dâu một số tiền gọi là “tiền chợ” với mục đích để cô dâu mua sắm những vật dụng cần thiết cho ngày hôn lễ.

Lễ Thỉnh kỳ: nhà trai đi xem bói để chọn ngày lành tháng tốt để thông báo cho nhà gái biết về ngày, giờ làm lễ Nghinh thân,may quần áo, cắt tóc, sắm sửa đồ dùng cho cô dâu và chú rể.

Lễ xuất giá: thường kéo dài hai ngày. Đêm trước khi cô dâu về nhà chồng, nhà gái làm lễ xuất giá cho con gái. Lễ này có ý nghĩa làm lễ tạ ơn cha mẹ công sinh thành, dưỡng dục. Ngay khi lễ xuất giá được tiến hành, hôn lễ đã bước vào giai đoạn chính lễ.

-Giai đoạn trong ngưỡng bao gồm các lễ:

Đây là nhóm các hoạt động diễn ra trong chính lễ, ứng với “giai đoạn chuyển tiếp trong trạng thái nửa vời, bồng bềnh”, bao gồm hai lễ chính sau:

Lễ Nghinh thân: nhà trai chuẩn bị lễ vật, chú rể, người mai mối, anh, em, bà con ruột thịt họ hàng, và một số bạn bè đến nhà gái làm lễ trước bàn thờ tổ tiên để xin rước dâu. Đây là nghi lễ chính thức, cột mốc đánh dấu tâm thế của đời sống hôn nhân.

Lễ động phòng: Người Hoa Triều Châu ở Vĩnh Long vẫn còn giữ phong tục làm lễ động phòng cho đôi tân lang - tân nương mới cưới để cầu chúc hòa hợp và sớm sinh con cháu.

-Giai đoạn sau ngưỡng bao gồm các lễ:

Lễ kiến kỳ: sau hai hoặc ba ngày, cô dâu cùng chú rể, người thân thích của nhà trai trở về nhà gái gọi là lễ phản bái.

Tóm lại, Lễ cưới của người Hoa Triều Châu ngày nay đã có sự thay đổi đáng kể so với truyền thống. Sự biến đổi này đã làm mất đi một phần nào đó đặc tính truyền thống và nét đẹp văn hóa đặc sắc của lễ cưới. Với sự phát triển của xã hội, lễ cưới của người Hoa Triều Châu ngày càng được tổ chức đơn giản, các nghi thức trong lễ cưới không còn được đầy đủ như lễ cưới truyền thống, và do vậy ý nghĩa văn hóa của nó cũng mai một ít nhiều.

Qua luận văn này tôi xin đóng góp một phần ý kiến của cá nhân tôi với mục đích gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ cưới của người Hoa Triều Châu.

 


Trung tâm Học liệu - Phát triển Dạy và Học

Số 126 - Nguyễn Thiện Thành, Khóm 4, phường 5, Thành phố Trà Vinh - Tỉnh Trà Vinh.

Điện thoại: (+84).294.3855246 số nội bộ: 232. Fax: (+84).294.3855217. Email: lrc@tvu.edu.vn