Tác giả: Đặng Thị Nguyên Khang. TS. Nguyễn Xuân Hương (người hướng dẫn khoa học).

Trường Đại học Trà Vinh. Năm: 2015. Mô tả: 195Tr. Kích thước: 30cm. Số định danh: 398.0959787 / Kh106 . Vị trí: Phòng Tài nguyên nội sinh

Tóm tắt:

Miếu Thiên Hậu của người Hoa ở thành phố Vĩnh Long được xây dựng cách đây 116 năm nhưng vẫn giữ nguyên được các yếu tố gốc. Ngôi miếu mang trong mìnhnhững giá trị văn hoá lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông ở Vĩnh Long. Đồng thời, miếu cũng đã phô diễn khá rõ nét những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng, tiêu biểu là các lễ hội đã làm cho miếu Thiên Hậu trở thành một di tích thiêng, đáp ứng được nhu cầu mong muốn được thần linh phù hộ, độ trì của cộng đồng người Hoa ở Vĩnh Long. Người Hoa đến dự lễ để khấn vái, cảm tạ, tỏ lòng biết ơn với Bà Thiên Hậu đã phù hộ tổ tiên họ trên bước đường thiên di đến vùng đất mới và phù hộ cho họ trong cuộc sống.

Trong Luận văn này, tôi tập trung tìm hiểu, khảo tả di tích miếu Thiên Hậu và làm rõ những ý nghĩa, giá trị về văn hóa tộc người, qua đó góp phần phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc củangười Hoa ở Nam Bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Trong phạm vi đề tài này, tôi tập trung những vấn đề cơ bản đó là:

Tìm hiểu di tích miếu Thiên Hậu thông qua việc khảo tả về trang trí kiến trúc, tượng thờ, đồ thờ, tục thờ Thiên Hậu.

Miêu thuật lễ lệ, lễ hội và các phong tục liên quan đến tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tại miếu Thiên Hậu.

Làm rõ những ý nghĩa và giá trị văn hoá tín ngưỡng tâm linh, qua đó góp phần cung cấp tư liệu khoa học về di tích miếu Thiên Hậu và sinh hoạt tín ngưỡng tại miếu Thiên Hậu của người Hoa ở thành phố Vĩnh Long.

Để thực hiện đề tài này, tôi đã lựa chọn các phương pháp:khảo sát, điền dã; so sánh và phương pháp tiếp cận liên ngành (dân tộc học, văn hóa học, lịch sử học); phương pháp phỏng vấn, phỏng vấn sâu để có kết luận chính xác hơn.

Về bố cục của luận văn, ngoài phần mở đầu, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn được chia thành ba chương:

Chương 1: Giới thiệu khái quát về thành phố Vĩnh Long và cộng đồng người Hoa ở thành phố Vĩnh Long. Làm rõ sự hình thành cộng đồng người Hoa; đặc trưng về văn hóa - tín ngưỡng; tục thờ Thiên Hậu thông qua việc tìm hiểu quan niệm niềm tin, truyền thuyết, thần tích của Thiên Hậu Thánh Mẫu và thiết chế thờ phụng Thiên Hậu Thánh Mẫu tại thành phố Vĩnh Long.

Chương 2: Đề cập đến đặc điểm miếu Thiên Hậu. Chương này, tôi cố gắng khảo tả trang trí kiến trúc miếu, điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và các nhân vật phối thờ cùng với các di vật trong miếu Thiên Hậu; miêu thuật những lễ lệ, lễ hội và các phong tục liên quan. Đồng thời, bằng phương pháp so sánh, tôi đã tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt của di tích miếu Thiên Hậu ở thành phố Vĩnh Long so với các cơ sở thờ tự Thiên Hậu ở các miền của đất nước.

Chương 3: Phát huy giá trị di tích miếu Thiên Hậu hiện nay thông qua việc làm rõ vị thế miếu Thiên Hậu trong đời sống văn hóa cộng đồng người Hoa Vĩnh Long; tìm hiểu những giá trị văn hoá của di tích miếu Thiên Hậu và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại miếu. Đánh giá hiện trạng di tích miếu Thiên Hậu, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người.

Cuối cùng, trong phần kết luận, tôi khái quát lại những nội dung chính của luận văn, đồng thời khẳng định miếu Thiên Hậu là cơ sở tín ngưỡng rất quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Vĩnh Long.