foto1
foto1
foto1
foto1
foto1

294.3855246 - Số nội bộ: 232
lrc@tvu.edu.vn
Liên hệ:



User Rating: 3 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar InactiveStar Inactive
 

Tìm hiểu nhân vật con thỏ trong truyện cổ Khmer, trước hết cần thể hiện vai trò của nó trong văn hóa tín ngưỡng của tộc người này. Bởi vì, đối với người Khmer, môi trường văn hóa tín ngưỡng mang đậm tính Phật giáo của họ cũng chính là nơi để truyện cổ có điều kiện lưu giữ và truyền miệng. Đề cập đến văn hóa của người Khmer Nam bộ là đương nhiên nói đến vai trò của đạo Phật Tiểu thừa (Hinayana) trong đời sống tâm linh của tộc người này.

Điều đặc biệt là, có một bộ phận truyện cổ của người Khmer Nam bộ thể hiện nội dung tín ngưỡng Phật giáo đậm nét. Vì thế, có nhà nghiên cứu gọi một bộ phận truyện này với tên gọi “những tích truyện về đức Phật, ít nhiều mang ý nghĩa hoằng giáo”([1]) thể hiện qua các phật thoại với các tích về đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni). Trong một dạng thức của mình, nhân vật con thỏ là tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni đã gợi mở cho người viết bài này những vấn đề cần quan tâm khi nghiên cứu vai trò của nó trong truyện cổ Khmer nói riêng và trong văn hóa của người Khmer nói chung.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Khmer, đạo Phật Tiểu thừa giữ vai trò hết sức quan trọng, là sợi dây liên kết cộng đồng. Vì vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu về văn hóa Khmer đều thống nhất, nói đến người Khmer là nói đến đạo Phật Tiểu thừa với hình ảnh trung tâm là ngôi chùa. Mở rộng vấn đề, trong văn hóa tín ngưỡng của người Khmer, tức là trong đời sống Phật giáo Tiểu thừa hình tượng con thỏ được coi là một trong những biểu tượng của tôn giáo tiêu biểu cho hình ảnh trung tâm là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong muôn vàn con vật, người Khmer chọn con thỏ làm biểu tượng tôn giáo hẳn là có lí do của nó. Nói như định nghĩa của Karl - GusLav - Jung thì “biểu tượng là một cái gì ngoài ý nghĩa đích thực của nó, còn nói lên một cái gì khác nữa”([2]). Phải chăng hình tượng con thỏ trong văn hóa tín ngưỡng Khmer ngoài ý nghĩa đích thực của nó là biểu tượng tôn giáo thì còn có ý nghĩa khác? Nếu có ý nghĩa nào ngoài ý nghĩa biểu tượng thì chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa đó trong truyện cổ, vì truyện cổ vốn là một bộ phận văn hóa tinh thần hết sức độc đáo của người Khmer. Tìm hiểu kĩ vấn đề này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về nhân vật con thỏ trong truyện cổ Khmer với nhiều dạng thức, vai trò, chức năng khác nhau.

Trong truyện cổ, con thỏ xuất hiện với chức năng đặc biệt mà chúng tôi gọi là chức năng tín ngưỡng tôn giáo. Chính đặc điểm thi pháp này làm cho truyện cổ của người Khmer, nhất là những Phật thoại (giai thoại về đức Phật), con thỏ xuất hiện vừa là nhân vật trung tâm của câu chuyện kể vừa là biểu tượng tôn giáo mang đậm màu sắc phật giáo (ý nghĩa hoằng giáo). Làm rõ vấn đề này, trước hết cần phải tìm về nguồn gốc để lí giải vì sao con thỏ có vị trí, vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa của người Khmer mà truyện cổ đã thể hiện. Bài viết tập trung thể hiện mấy vấn đề chính dưới đây:

1. Con thỏ trong văn hóa Khmer

1.1. Trong nghi lễ vòng đời người

1.1.1. Về con thỏ trong văn hóa của người Khmer, trước hết thể hiện ở nghi lễ vòng đời (Hôn - Quan - Tang - Tế) của tộc người này. Cụ thể là trong cách tính tuổi của người Khmer (trong sinh nở và nuôi dạy, tuổi cầm tinh con giáp nào cũng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến việc dựng vợ, gả chồng), ngoài các con vật khác được dùng làm con giáp tính tuổi tương đồng với người Kinh thì ở tộc người này còn có tuổi thỏ - tương ứng tuổi mèo ở người Kinh. Lí giải vì sao họ chọn con thỏ cầm tinh cho tuổi của mình còn là một vấn đề hết sức phức tạp, cần phải tập trung liên ngành.

Được biết, sự tương đồng giữa người Hoa và người Khmer là ở tuổi con thỏ này, nhưng có người còn nói rằng, đối với người Khmer Campuchia, tuổi con thỏ được thay thế bằng tuổi con hổ. Vậy, cách tính tuổi giữa người Khmer Nam bộ và người Khmer Campuchia có gì khác biệt? Đây là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Để lí giải vì sao, người Khmer Nam bộ chọn con thỏ cho tuổi của mình (mà không chọn con voi, con khỉ cũng là những con vật mà như chúng ta biết trên những bức tranh minh họa ở các chùa Khmer, voi và khỉ cũng đã từng tìm thức ăn cứu đức phật trong cơn nguy khốn giữa rừng), theo chúng tôi trước hết xuất phát từ phẩm chất của con vật này. Đó là những phẩm chất như: thông minh, lanh lợi, mưu trí, khôn ngoan, dũng cảm và đặc biệt con thỏ còn là tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tại thế. Phải chăng vì con thỏ là tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni, từng hết lòng hy sinh cho đức Phật nên người Khmer mới lấy con thỏ làm tuổi của mình. Bởi ở tộc người này, Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng tối cao mà họ tôn thờ chăng?

Như đã nói, con thỏ có những phẩm chất như trên kia thì ở người Kinh, Hoa đều có cả nhưng là tiền kiếp của một biểu tượng tôn giáo thì chưa thấy có ở người Kinh, Hoa nếu xét từ sự tác động qua lại giữa biểu hiện của các nền văn hóa. Có thể chính vì con thỏ có phẩm chất là hết lòng hy sinh vì đức Phật lại là tiền kiếp của Phật nên người Khmer đã chọn làm tuổi của mình với mong ước đây sẽ là tuổi ngọc, tuổi có duyên với Phật Thích Ca Mâu Ni. Như đã nêu, con thỏ thể hiện trong nghi lễ vòng đời ở cách tính tuổi - tuổi thỏ - lúc sống - đến khi chết được vào cõi niết bàn (Nirvâna - có nghĩa là tịnh không). Thiết nghĩ đây cũng là chiều sâu văn hóa mà người Khmer đã khéo léo gửi vào những Phật thoại nhằm thể hiện mong ước của mình ở kiếp sau.

Trong kho tàng truyện cổ của người Khmer Nam bộ, các truyện mà chúng tôi sưu tầm được đã một phần chứng minh cho những lí luận trên kia. Trong truyện Sự tích lễ hội Óc - Om - Bok ([3]), con thỏ chính là tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni. Nội dung câu chuyện được kể lại như sau: “Lúc chưa đắc đạo, ở một kiếp nọ, đức Phật đầu thai thành con thỏ. Vì nóng lòng muốn cho đức Phật sớm đắc đạo, Ngọc Hoàng bèn hóa thành kẻ ăn mày đói khát. Gặp con thỏ, người ăn mày năn nỉ xin thỏ bố thí cho cái xác của mình để ăn. Thỏ lúc đó bảo rằng: người hãy chụm lửa, khi lửa đang cháy cao lên, con thỏ giủ lông mình cho thật sạch. Vì sợ nhảy vào lửa, các con vật đeo trên mình của thỏ như chí, rận đang bám vào lông bị chết theo, thỏ sẽ phạm phải tội sát sinh.

Giũ lông xong, con thỏ bèn nhảy vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt ấy. Khi thỏ nhảy vào lửa thì lửa bèn tắt hết cả. Ngọc Hoàng thấy vậy bèn vắt lấy nước từ bảy ngọn núi vẽ lên mặt trăng hình con thỏ. Nên hiện nay, khi nhìn lên mặt trăng vào đêm trăng tròn sẽ thấy hình con thỏ rất rõ trên mặt trăng.

Việc tổ chức cúng trăng vào đêm 15 trăng tròn tháng Khe Kđắc là ngày lễ Ót 0m bok chính là để tưởng nhớ công đức của đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc đầu thai thành con thỏ đã không ngần ngại hy sinh tính mạng để sớm đắc đạo thành phật cứu chúng sinh. (Người kể Lào Được, Cống Đôi, Đại Hải, Châu Thành, Sóc Trăng).

Con thỏ trong truyện trên không chỉ là biểu tượng tôn giáo trong vai tiền kiếp của đức Phật mà còn giữ chức năng giải thích nguồn gốc lễ hội. Hai chức năng này thấm đẫm vào nhau, khó tách rời, đó là còn chưa nói đến con thỏ thực hiện một chức năng khác là dùng để giải thích vì sao trên mặt trăng có hình dáng con thỏ nhưng chức năng sau cùng này, tỏ ra không quan trọng. Đọc truyện này, ta bắt gặp phẩm chất của thỏ là lòng hy sinh cao cả đối với Phật giáo Tiểu thừa. Và truyện Sự tích con thỏ và mặt trăng, một lần nữa giúp ta khẳng định rõ hơn phẩm chất đó. Truyện được kể như sau: “Trong một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có lần ngài là một con thỏ sống quanh quẩn bên bờ sông Hằng. Thỏ kết bạn rất thân với con Khỉ, Rái cá và con chó rừng. Thỏ hiểu biết nhiều hơn ba con thú kia, thỏ còn biết tham thiền để cầu mong sự gần gũi với đấng tối cao. Thỏ sống cùng với ba người bạn bên bờ sông trong cảnh rất yên vui. Tuy nhiên trong số những người bạn của thỏ, còn có con vật hay sát sinh làm thỏ rất lo lắng cho hậu kiếp của những người bạn mình.

Cuộc sống trôi đi rất nhiều năm. Một hôm, đến ngày trước khi trăng tròn, thỏ bèn gọi ba bạn đến bảo rằng: Trước kia chúng ta có hứa rằng, cùng đến ngày trăng rằm thì nhịn đói, ngồi thiền để giữ cho lòng được thanh sạch và không bợn nhơ, ngoài ra còn phải tích cực làm việc thiện. Nay, tôi xin nhắn các bạn vào sớm ngày mai đi tìm thức ăn như mọi ngày nhưng không được ăn mà để dành cho những người đi ăn xin.

Sáng sớm hôm sau, cả ba cùng đi tìm mồi ăn, chẳng bao lâu Rái cá đem về được vài con cá còn chó rừng đem về một vò sữa, một hủ mỡ, một gói cơm, còn khỉ thì mang về một ít trái cây. Cả ba cùng ngồi một chỗ tham thiền, riêng thỏ thì chẳng đi đâu cả mà chỉ chăm chú vào việc ngồi một chỗ để tham thiền ngay trước cửa hang.

Ý định của các con vật đã làm động lòng thượng giới. Thần Sakah - vị chúa của thần Tevađa bèn giả làm cụ già ăn xin đến để thử lòng bốn con vật dưới phàm trần.

Thần Sakah đến chỗ con rái cá ngồi ăn xin. Rái cá bảo: xin mời ông dùng cá. Người ăn xin đáp: cảm ơn, chờ tôi đi rửa mặt xong sẽ quay lại ăn nhé!

Thần Sakah đến chỗ con chó rừng và con khỉ cũng được hai con vật mời ăn và người ăn xin cũng lặp lại câu nói trên như đã nói với rái cá.

Cuối cùng, đến chỗ thỏ, cụ già ăn xin thấy thỏ chào đón mình rất vui vẻ, vì thỏ không đi tìm thức ăn như chúng bạn nên chẳng có gì mời người ăn xin nên thỏ bảo rằng: xin người chờ tôi đốt lửa lên sẽ dâng cho người một thức ăn ngon lành. Nói xong, thỏ đốt lửa cho cháy lên cao, lúc này thỏ nhảy vào đống lửa tự nướng mình và mời người ăn xin ăn thịt nướng này. Nhưng kì lạ thay, lửa không cháy mà ngược lại bị gió thổi tắt đi nhưng thỏ không nản lòng lại cho củi vào và tiếp tục đốt.

Trong lúc đó, cụ già ăn xin biến mất. Thần Sakar hiện ra cho biết tên mình và khen ngợi nghĩa cử của bốn con vật, nhất là thỏ. Ông nói, đối với sự cao đẹp của thỏ ta phải để cho người đời sau noi gương. Thần Sakar ra lệnh cho thần Inđra lấy hòn đá ngọc vẽ hình thỏ lên trên mặt trăng để nhớ mãi sự hy sinh cao đẹp này. Từ đó, đồng bào Khmer cúng mặt trăng để nhớ đến nghĩa cử cao đẹp của Phật Thích Ca Mâu Ni trong kiếp con thỏ. Đồng thời để giải thích vì sao trên mặt trăng lại có hình dạng con thỏ trên ấy”([4]). Trong truyện cổ Lào ([5]) cũng có truyện Sự tích con thỏ trên mặt trăng nhưng con thỏ không được kể rõ là tiền kiếp của Phật mà chỉ đề cập đến phẩm chất hết lòng hy sinh thân xác mình cho người hành khất. Tuy nhiên, có thể xem truyện này của người Lào và truyện mà chúng tôi nói tới trên kia của người Khmer là kết quả của sự tiếp biến các phật thoại từ quá trình truyền bá và ảnh hưởng của đạo phật qua các quốc gia: Lào - Campuchia và du nhập đến vùng Nam bộ Việt Nam có người Khmer sinh sống mà lịch sử văn hóa lâu đời có ảnh hưởng trực tiếp từ người Khmer Campuchia. Mặt khác, theo tìm hiểu, tiền kiếp của đức Phật trong văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của người Lào là con Sếu ([6]) chứ không phải là con thỏ như trong tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer. Bên cạnh đó, nhân vật con thỏ trong truyện cổ Lào được phản ánh khá đầy đủ với những phẩm chất tốt - xấu chứ không giống biểu tượng con thỏ trong truyện cổ Khmer mang ý nghĩa thuần nhất tích cực. Đó là các truyện: Sự tích con thỏ và mặt trăng, Vì sao thỏ bị cụt đuôi, Chó sói và sếu, Con thỏ nhát gan ([7]).

Khảo sát thêm một số truyện khác của Huỳnh Ngọc Trảng trong “Truyện dân gian Khmer”([8]) như các truyện: Thỏ và cọp, Thỏ khôn ngoan, Thỏ xử kiện, Hai thằng đoạt vợ người, Thầy thuốc rắn cứu cọp, Con sấu bội ơn, Sói và tép…chúng tôi thấy ngoài những phẩm chất nêu trên của thỏ còn có thêm một chức năng khác là thực hiện công bằng xã hội, gọi là chức năng công lý. Thỏ dùng chính sự thông minh, mưu mẹo của mình trong rất nhiều trường hợp đã thể hiện được tài năng xử kiện, ứng phó với hoàn cảnh, giải thoát cho các con vật, tự cứu mình, cứu con người… Nhưng quan trọng hơn cả là thỏ có khả năng đem lại công lý. Đây phải chăng là mong ước có được cuộc sống công bằng của người Khmer xưa kia, và cũng chính vì vậy mà họ chọn con thỏ làm tuổi của mình. Như vậy, có thể nói, phẩm chất của Thỏ nói chung là thuần nhất thiêng về ý nghĩa tích cực.

Bên cạnh đó, xuất phát từ văn hóa truyền thống phương Đông của các dân tộc cư trú trên vùng văn hóa này, con thỏ cũng có phẩm chất vừa thông minh, lém lĩnh nhưng cũng rất láu cá… Những đặc điểm về tính cách của thỏ trong truyện cổ của các dân tộc ít người nói chung và trong truyện cổ của người Khmer Nam bộ nói riêng đã trở nên phong phú, đa dạng hơn.

Trong truyền thuyết của Ấn Độ, con thỏ cũng có phẩm chất như đã nói. Điều này làm nên sự ảnh hưởng đến con thỏ trong truyện cổ Khmer Nam bộ chăng? Bởi vì, như chúng ta biết, đạo Phật tiểu thừa của người Khmer Nam bộ có nguồn gốc từ Ấn Độ. Theo PGS. TS Phan An thì: “Người Khmer ở Nam bộ với người Khmer Campuchia là đồng tộc, có nhiều nét tương tự về lịch sử văn hóa và tộc người. Trước khi di cư đến vùng đất Nam bộ của Việt Nam, người Khmer đã tiếp nhận Phật giáo Tiểu thừa được truyền từ Ấn Độ qua nhiều nẻo đường khác nhau. Con đường truyền bá Phật giáo Tiểu thừa từ phía Nam Ấn Độ qua Sri Lan Ka và các quốc gia Nam Á đến người Khmer ở vương quốc Chân Lạp vào khoảng thế kỉ X-XI. Để rồi, từ đó đi cùng với di dân Khmer đến Nam bộ vào cuối thế kỉ XIV-XV và XVI” ([9]). Như vậy, từ tôn giáo ở Ấn Độ rồi đến tôn giáo ở Campuchia, rồi Nam bộ Việt Nam, Phật giáo Tiểu thừa đã có một quá trình biến đổi liên tục sao cho phù hợp với các vùng văn hóa mà nó đi qua. Và hẳn nhiên theo tôn giáo, văn hóa cũng được giao thoa, tiếp biến. Như vậy, từ con thỏ trong văn hóa Ấn Độ (trong truyền thuyết có liên quan đến những giai thoại về Phật - Phật thoại) đến con thỏ trong đời sống Phật giáo được phản ánh qua truyện cổ của người Khmer Nam bộ là một quá trình giao lưu, tiếp biến và tiếp nhận không thể chối bỏ. Có thể tìm thấy trong văn hóa Ấn Độ hình tượng con thỏ cũng như trong tôn giáo của họ đi từ đạo Bà La Môn đến Phật giáo Tiểu thừa là một quá trình thay đổi và phát triển liên tục của Phật giáo. Chắc rằng, vai trò của con thỏ là tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni trong đời sống Phật giáo qua các Phật thoại chính là những minh chứng cho sự sụp đổ của đạo Bà La Môn trước một tôn giáo khác với giáo lý mềm mại hơn rất nhiều là đạo Phật Tiểu thừa. Đã từng có những dấu vết của đạo Bà La Môn còn tồn tại và được phản ảnh qua truyện cổ của người Khmer Nam bộ như truyện Thômabal và Kabil Maha Prum - vị thần bốn mặt, Sự tích nàng Visakha chẳng hạn ([10]) .

Trở lại vấn đề về phẩm chất của thỏ như đã nêu, chúng ta còn được biết thỏ đã là biểu tượng cho công lý khi người Khmer Campuchia cho khắc hình của thỏ trong con dấu trong các tòa án ([11]). Điều này chứng tỏ, con thỏ trong đời sống xã hội của người Khmer Campuchia và dĩ nhiên là cả người Khmer Nam bộ có vai trò hết sức quan trọng. Sự thông minh, trí tuệ, mưu mẹo, tài ba trong xử trí đã không ít lần đem lại công lý cho con người được phản ánh qua truyện cổ…Tuy nhiên, theo chúng tôi chức năng quan trọng hơn cả là chức năng tôn giáo của thỏ. Từ chức năng này mà con thỏ đã trở thành biểu tượng cho sự công bằng xã hội, cứu độ chúng sinh vì thỏ trong quan niệm của người Khmer là tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ đó có thể nói, thỏ là con vật tổ, vật thiêng của người Khmer là hoàn toàn có cơ sở.

1.1.2. Trong nghi lễ vòng đời người, người Khmer Nam bộ còn xem thỏ là biểu tượng của sự may mắn và hạnh phúc nên trong ngày cưới, họ thêu hình thỏ trên gối áo cưới cho cô dâu và chú rể. Trong truyện “Con sấu bội ơn”, phần kết thúc truyện được các tác giả dân gian gửi gắm ước mơ này: “Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long thường có tục vẽ hay khắc hình đầu cá sấu trên thành chiếc xe bò của mình. Điều này có ý nghĩa nhắc lại sự tích trên và cầu mong việc đi lại làm ăn của mình được nhiều may mắn. Cũng có người lại thêu hình thỏ trên cặp gối của vợ chồng mới cưới để thể hiện tình cảm đối với con vật thông minh và tốt bụng, lúc nào cũng muốn cứu giúp người”([12]).

Như vậy, có thể nói con thỏ trong văn hóa của người Khmer mà trước hết là trong nghi lễ vòng đời người đã được truyện cổ phản ánh khá chi tiết, sinh động. Những vấn đề ấy đã góp phần lí giải vai trò của con thỏ trong đời sống văn hóa của người Khmer. Bên cạnh đó, vẫn còn một biểu hiện khác về hình ảnh của con thỏ trong văn hóa Khmer đó là con thỏ trong lễ hội truyền thống của họ.

1.2. Hình ảnh con thỏ trong lễ hội Óc - Om - Bok của người KhmerNam bộ

Trong ba lễ hội lớn của người Khmer Nam bộ là lễ Chol Chnâm Thmây, và lễ Sen đol ta thì lễ Óc - Om - Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng cũng là lễ hội thể hiện rõ văn hóa nông nghiệp lúa nước của tộc người này. Ý nghĩa của lễ hội chủ yếu là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người có cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Những mong ước đó, một phần thể hiện qua lễ hội, một phần gửi gắm vào Phật giáo Tiểu thừa, nơi đấng tối cao ngự trị là Phật Thích Ca Mâu Ni, dù trước đó và cả hiện nay, người Khmer Nam bộ vẫn theo tín ngưỡng đa thần.

 

Lễ hội Óc - Om - Bok là lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hằng năm, đây là lễ hội truyền thống. Tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội này theo nhiều cách khác nhau cũng như lí giải vấn đề từ nhiều phía sẽ góp phần làm phong phú hơn nền văn hóa Khmer. Lễ hội này của người Khmer Nam bộ được lí giải có nguồn gốc từ truyện cổ như đã nêu trên kia (trong mục 1.1.), con thỏ xuất hiện không chỉ với chức năng tôn giáo như đã nói mà còn có chức năng khác là chức năng giải thích nguồn gốc lễ hội. Trong vai trò là tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni, con thỏ được người Khmer tưởng nhớ và là đối tượng để họ hướng tới cầu mong cuộc sống bình yên, no đủ. Hình ảnh con thỏ với đức độ hy sinh cao cả và sau đó được đắc đạo, Ngọc Hoàng vẽ hình lên mặt trăng. Lễ hội Óc - Om - Bok còn có tên gọi khác là lễ cúng trăng, cúng trăng cũng chính là cúng đức Phật của họ, mà con thỏ là biểu tượng tôn giáo nên cúng Phật cũng là để tưởng nhớ đến công đức hy sinh của thỏ vậy. Do vậy, có thể nói, người Khmer Nam bộ đã lồng vào lễ hội của mình những ý nghĩa tôn giáo đậm nét, với mục đích cuối cùng là cầu an, cầu được phước. Trong tất cả các hoạt động của người Khmer, làm phước là một hoạt động có ý nghĩa xã hội và tôn giáo rõ nét mang tính chất nhân văn sâu sắc.

Nhìn chung, con thỏ trong văn hóa Khmer có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Nó vừa là biểu tượng tôn giáo vừa là biểu tượng cho công lý, hạnh phúc và sự may mắn. Phẩm chất con thỏ thông minh, dũng cảm hết lòng hy sinh vì đạo Phật Tiểu thừa đã được người Khmer thể hiện trong văn hóa của họ một cách rõ nét qua truyện cổ. Những câu chuyện kể dùng để giải thích nguồn gốc lễ hội, thì cũng đồng thời gắn với sinh hoạt tôn giáo của tộc người này mà hình tượng con thỏ vừa thực hiện chức năng tôn giáo, vừa thực hiện chức năng công lý, giải thích nguồn gốc lễ hội như đã nói góp phần lí giải và làm phong phú thêm nhân sinh quan, thế giới quan của tộc người mà sinh hoạt văn hóa quanh năm chủ yếu gắn liền với lễ hội truyền thống, chùa chiền và với Phật Thích Ca Mâu Ni. Tất cả tập trung quanh Phật Thích Ca Mâu Ni mà biểu tượng con thỏ góp phần thể hiện đã cho thấy ý nghĩa đặc biệt của thỏ trong tư duy văn hóa Khmer Nam bộ. Tuy nhiên, nhân vật con thỏ còn có sự tác động đến một bộ phận văn hóa khác. Đó là văn học dân gian mà truyện cổ là nơi in đậm dấu ấn rõ nét nhất của hình tượng này.

2. Con thỏ trong truyện cổ Khmer

2.1. Nhân vật con thỏ tạo nên các kiểu truyện mà trước hết là sự ảnh hưởng về số lượng truyện

Thứ nhất, sự ảnh hưởng về lượng truyện. Cho đến nay, theo các công trình sưu tầm về truyện cổ Khmer chủ yếu là “Truyện dân gian Khmer” của Huỳnh Ngọc Trảng (Hội Văn học nghệ thuật Cửu Long, xuất bản năm 1987), “Văn học dân gian Sóc Trăng” (do Chu Xuân Diên chủ biên, năm 2002, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh) mà chúng tôi dùng khảo sát về nhân vật con thỏ cho thấy nhân vật này có một vị trí rất quan trọng trong truyện cổ. Vị trí ấy đã góp phần làm cho nhân vật này có một nguồn truyện riêng. Nhà nghiên cứu Châu Ôn đã lưu ý chúng tôi vấn đề này khi tìm hiểu nhân vật con thỏ trong truyện cổ Khmer trong bài viết Một vài thể loại văn học dân gian Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long ([13]) như sau: “Con thỏ có riêng một nguồn truyện, vì con Thỏ đối với người Khmer được coi là con vật tinh khôn, đã biểu lộ lòng hy sinh tuyệt đối cho Phật giáo, ngoài ra Thỏ đã từng là một kiếp hóa thân của Đức phật”.

Căn cứ vào nguồn truyện mà chúng tôi sưu tầm được cũng như qua so sánh đối chiếu với các truyện có nhân vật con thỏ của Huỳnh Ngọc Trảng có thể nói nhận định trên là đúng. Có thể khái quát lượng truyện về con thỏ trong truyện cổ Khmer Nam bộ qua bảng thống kê sau:

STT

TÊN TRUYỆN

Ý NGHĨA

CHỨC NĂNG BIỂU TƯỢNG

01

Thỏ và cọp

Ngợi ca phẩm chất

Công bằng

02

Thỏ khôn ngoan

//

Công bằng

03

Thỏ xử kiện

//

Công lý

04

Hai thằng đoạt vợ người

//

Công lý

05

Thầy thuốc rắn cứu cọp

//

Công lý, công bằng

06

Con sấu bội ơn

//

//

07

Sói và tép

//

Khác

08

Thỏ và ốc

Phê phán

Ngụ ngôn

09

Sự tích con thỏ và mặt trăng

Ngợi ca

Tôn giáo, giải thích biểu tượng thỏ trên mặt trăng (chức năng kép)

10

Sự tích lễ hội Óc - Om - Bok

Ngợi ca

Tôn giáo, giải thích lễ hội (chức năng kép)

(Bảng thống kê 01: Các truyện từ số 09 đến 10 là của tác giả bài viết sưu tầm, những truyện còn lại được dẫn từ Truyện dân gian Khmer tập II của Huỳnh Ngọc Trảng).

Căn cứ vào nguồn truyện mà chúng tôi sưu tầm được cũng như qua so sánh đối chiếu với các truyện có Theo bảng thống kê số 01, lượng truyện về nhân vật con thỏ đã lên đến hơn 10 truyện. Đây là số lượng hết sức đáng kể (nếu so sánh với các nhân vật khác có thể tạo thành lượng truyện riêng), trong mỗi truyện, tất cả các tình tiết, sự kiện, cốt truyện…đều xoay quanh nhân vật này.

Bước đầu khảo sát thêm truyện cổ Campuchia có nhân vật con thỏ qua tuyển tập của Phùng Huy Thịnh (dịch) và Khing Hoc Dy (tuyển dịch tiếng Pháp) và Trịnh Thu Hồng (dịch tiếng Việt), chúng tôi thấy, cũng có một nguồn truyện riêng về nhân vật con thỏ. Chắc rằng nếu tìm hiểu kĩ lưỡng hơn, số lượng truyện về con thỏ trong truyện cổ Campuchia sẽ không dừng lại con số bốn truyện như bảng thống kê dưới đây. Tuy nhiên, nó vẫn là một hiện tượng đủ cứ liệu khoa học để chúng tôi so sánh.

STT

TÊN TRUYỆN

Ý NGHĨA

CHỨC NĂNG BIỂU TƯỢNG

01

Chuyện về hai kẻ muốn chiếm vợ người

Ngợi ca

Công lý

02

Mơ có giống thật

Ngợi ca

Công lý

03

Cá sấu và người đánh xe

Ngợi ca

Công lý

04

Chuyện thỏ bị dính mông vào gốc cây có nhựa

Ngợi ca

Khác

(Bảng thống kê 02: Hệ truyện Thỏ trắng thông minh (gồm hai truyện: 01 và 02) trong truyện cổ Campuchia (Phùng Huy Thịnh dịch (2007), Truyện cổ Campuchia, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội; hai truyện còn lại: 03 và 04 được lấy từ Truyền thuyết và chuyện kể Khmer (Khing Hoc Dy tuyển dịch tiếng Pháp và Trịnh Thu Hồng dịch tiếng Việt (2002), Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội)

Trong bảng thống kê số 02, truyện Chuyện hai kẻ muốn chiếm vợ người được người Khmer Sóc Trăng kể là truyện Hai thằng đoạt vợ người (bảng thống kê số 01). Và truyện Cá sấu và người đánh xe được người Khmer Sóc Trăng kể lại là truyện Con sấu bội ơn (bảng thống kê 01). Đây là một trong nhiều những minh chứng cho việc giao lưu và tiếp biến văn học dân gian mà cụ thể là truyện cổ giữa người Khmer Campuchia và Khmer Nam bộ. Tuy nhiên, người Khmer Nam bộ đã kể lại những truyện cổ phù hợp với điều kiện văn hoá mà mình sinh sống. Chẳng hạn truyện Con sấu bội ơn có thêm phần kết thúc giải thích biểu tượng con thỏ được thêu trên áo gối trong ngày cưới cuả cô dâu chú rể tượng trưng cho sự may mắn mang đậm chất Khmer Nam bộ.

Thứ hai, từ số số lượng truyện đáng kể mà truyện về nhân vật con thỏ có thể hình thành hai kiểu truyện tiêu biểu trong truyện cổ của người Khmer. Theo chúng tôi đó là kiểu truyện con thỏ - biểu tượng tôn giáo, văn hóa và kiểu truyện con thỏ tinh - ranh ([14]). Trong bảng thống kê số 01, các truyện số 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 09, 10 là tiêu biểu cho hai kiểu truyện trên (các truyện 09, 10 là tiêu biểu cho kiểu truyện thứ nhất, còn lại tiêu biểu cho kiểu thứ hai). Riêng trường hợp truyện số 08, có thể coi đây là một trường hợp “cá biệt” mà nhân vật con thỏ được người bình dân Khmer nhìn nhận với ý nghĩa phê phán, lên án bởi thói kiêu căng, ỷ lại. Một mình thỏ đã không thể thắng họ hàng nhà ốc. Thỏ bị thua cuộc không chỉ vì tính kiêu căng, ỷ lại mà còn vì kém mưu trí hơn ốc. Đây là một trường hợp Thỏ được nhìn nhận với ý nghĩa tiêu cực. Có thể coi đây là sự ảnh hưởng về tư duy văn hóa giữa người Kinh và Khmer trên cùng địa bàn cư trú, vì người Kinh có truyện Thỏ và rùa về ý nghĩa cũng giống như truyện Thỏ và ốc này.

2.2. Con thỏ trở thành nhân vật đa chức năng và góp phần tạo nên sự hỗn dung về thể loại

Xuất phát từ vai trò của thỏ trong vòng đời, trong lễ hội, nhân vật con thỏ đã trở thành nhân vật đa chức năng trong truyện cổ của người Khmer khi nó có một lượng truyện riêng là điều không thể phủ nhận. Diễn biến của cốt truyện từ đầu cho đến kết thúc đều có vai trò của thỏ tham gia dù nghệ thuật tự sự đối với từng truyện và từng kiểu truyện có khác nhau. Từ đây, thỏ trở thành nhân vật đa chức năng trong truyện cổ Khmer. Đó là các chức năng: là biểu tượng tôn giáo trong vai tiền kiếp Phật thích Ca, thực hiện chức năng công lý, công bằng xã hội, giải thích nguồn gốc lễ hội như bảng thống kê số 01 đã trình bày. Như ta từng biết, người Khmer có một hệ truyện về nhân vật Thmênh Chây và nhân vật này cũng đã tạo nên một kiểu truyện (truyện cười) và dĩ nhiên nhân vật Thmênh Chây cũng là nhân vật chức năng của truyện cổ Khmer. Điều này phù hợp với lý thuyết về nhân vật chức năng trong truyện cổ nói chung.

Về biểu hiện góp phần tạo nên sự hỗn dung về mặt thể loại, điều đầu tiên dễ thấy nhất là sự khác biệt về thi pháp nhân vật Thỏ trong loại truyện có liên quan đến Phật giáo - hoằng giáo (các Phật thoại như chúng tôi đã phân loại) so với các truyện thuộc kiểu con thỏ tinh - ranh là loại truyện này không nhằm giải thích đặc điểm con vật mà hướng tới một ý nghĩa khác có liên quan đến Phật giáo: đó là nguồn gốc và tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tại thế trong lăng kính tín ngưỡng thiêng về văn hóa tâm linh liên quan trực tiếp đến con vật thiêng. Điều này lí giải vì sao người Khmer lại có hẳn riêng một nguồn truyện về con Thỏ như đã nói trên kia.

Đối với người Khmer, con Thỏ không chỉ là con vật thông minh, tinh khôn mà còn là tiền kiếp của Phật và hết lòng vì Phật nên được xem là con vật thiêng và được thờ phụng. Nhân vật con Thỏ trong truyện cổ phật giáo - văn hóa thực hiện chức năng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng rõ nét. Đây là điểm khác biệt rất rõ so với nhân vật con thỏ trong truyện cổ của người Kinh, Lào… Trong từng truyện cụ thể, chính nhân vật con thỏ đã làm cho chúng ta khó phân loại truyện cổ có nhân vật con Thỏ như truyện Thỏ và ốc có ý nghĩa và chức năng thể loại khác xa so với truyện Thỏ, chó sói, khỉ và rái cá hay truyện Sự tích con thỏ và mặt trăng… Ở truyện Thỏ và ốc (mà chúng tôi coi là trường hợp “cá biệt”) là bài học không chỉ về sự khôn ngoan, biết thắng kẻ thù bằng mưu trí mà còn cho chúng ta bài học về tính khiêm nhường, không nên hiếu thắng. Chính bài học này đã làm cho chúng ta có sự phân vân khi xếp truyện này vào loại hình ngụ ngôn hay loại hình cổ tích (về loài vật thuộc kiểu con thỏ tinh - ranh) đều có những điểm hợp lý riêng. Bởi truyện ngụ ngôn về cơ bản vẫn là truyện của các con vật nhưng ý nghĩa của nó là một bài học để con người biết cách ứng xử với cuộc sống. Và do đó, nói nhân vật con Thỏ trong truyện cổ Khmer có nhiều chức năng và vai trò quan trọng là vì vậy. Từ đó, có thể thấy nhân vật con Thỏ trong truyện cổ Khmer bổ sung vào thi pháp nhân vật truyện dân gian sự hỗn dung về mặt thể loại.

3. Thay lời kết luận

Qua khảo sát vai trò, chức năng của biểu tượng con thỏ được truyện cổ Khmer phản ánh, chúng ta thấy nhân vật này có vị trí, vai trò rất quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng mang đậm sắc thái Phật giáo Tiểu thừa. Điều đặc sắc là biểu tượng con thỏ được thể hiện qua truyện cổ càng làm cho kho tàng truyện dân gian Khmer không chỉ phong phú về số lượng mà còn đa dạng về cách thức thể hiện, dù nghệ thuật tự sự đôi truyện còn sơ lược, nghèo nàn.

Đồng thời, qua nhân vật con thỏ được truyện cổ Khmer Nam bộ thể hiện, chúng ta có thể minh chứng thêm cho hiện tượng giao lưu, tiếp biến văn hóa mà mà cụ thể là truyện cổ giữa hai tộc người Khmer Campuchia và Khmer Nam bộ, thậm chí có thể thấy rõ sự tiếp biến của truyện cổ đối với tộc người Lào tuy chưa được khảo sát toàn diện.

Chính nhân vật con thỏ trong truyện cổ Khmer là lăng kính để ta hiểu sau hơn về nguồn gốc, quá trình tiếp biến, thay đổi và thấy rõ hơn vai trò của Phật giáo Tiểu thừa trong đời sống của người Khmer Nam bộ hiện nay. Qua đó, góp phần làm cơ sở cho việc nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm thi pháp truyện cổ Khmer mà trường hợp con thỏ được loại hình nghệ thuật tự sự này phản ánh càng lý thú và hấp dẫn hơn bởi tính nhân văn và chiều sâu văn hóa. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu nhằm góp phần tìm hiểu biểu tượng con thỏ trong văn hóa Khmer Nam bộ qua truyện cổ.

Ths. Tiền Văn Triệu

Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

 

Chú thích

[1]. Châu Ôn (1988), Một vài thể loại văn học dân gian Khmer đồng bằng sông Cửu Long, (Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ), Nhà xuất bản tổng hợp Hậu Giang, trang 175.

2. Trần Quốc Vượng (1987), Nói chuyện vui về chu kì 60 và lịch sử nước nhà (Lịch Văn hóa tổng hợp 1987-1990 anmanach), Nhà xuất bản Ngoại văn, Hà Nội, trang 62.

3. Người Khmer Nam bộ tổ chức lễ Óc - Om - Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ đút cốm dẹp, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hằng năm. Ngoài truyện này, người Khmer còn có một truyện khác giải thích nguồn gốc của lễ hội này là truyện Sự tích hội bơi đua (xin xem thêm Tiền Văn Triệu, Những lễ hội truyền thống của người Khmer Sóc Trăng, tạp chí Nguồn sáng dân gian số 1/2007).

4. Truyện này tác giả đã giới thiệu trong bài viết Những lễ hội truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng, tạp chí Nguồn sáng dân gian số 1/2007. Bản chất của hai truyện này là một dị bản.

5. Chủ yếu là truyện của người Lào Lùm, chúng tôi không có điều kiện khảo sát truyện cổ của người Lào Thơng và Lào Xủng vì tư liệu chủ yếu khảo sát là Truyện cổ Lào - chỉ sưu tầm và giới thiệu được truyện của người Lào Lùm).

6. Xin xem thêm truyện Chó sói và sếu, Đào Văn Tiến và Quế Lai (sưu tầm và biên soạn) (1984), Truyện cổ Lào, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, trang 164-165.

7. Sđd, trang 37-40, trang 47, trang 164-165, trang 164.

8. Huỳnh Ngọc Trảng (1987), Truyện dân gian Khmer, Hội Văn nghệ Cửu Long.

9. Phan An (2010), Phật giáo Tiểu thừa Khmer, Tài liệu Hội thảo Tôn giáo ở Nam bộ: Những vấn đề nổi bật, những đáp ứng của chính sách và nghiên cứu, trang 41.

10. Tại Sóc Trăng có chùa Bốn mặt tại huyện Mỹ Xuyên. Kabil Maha Prum - vị thần bốn mặt chính là vị giáo chủ Bà La Môn. Hai truyện này tác giả đã giới thiệu trong bài viết Những lễ hội truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng, tạp chí Nguồn sáng dân gian số 1/2007.

11. Xin xem thêm truyện Thỏ trắng thông minh (truyện thứ hai: Mơ có giống thât), Phùng Huy Thịnh (dịch) (2007), Truyện cổ Campuchia, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, trang 88-92.

12. Xin xem thêm truyện Con sấu bội ơn, Huỳnh Ngọc Trảng (1987), Truyện dân gian Khmer, Hội Văn học nghệ thuật Cửu Long, trang 77.

13. Xin xem thêm Châu Ôn, Một vài thể loại văn học dân gian Khmer đồng bằng sông Cửu Long (Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ) (1988), Nhà xuất bản tổng hợp Hậu Giang, trang 173.

14. Chúng tôi dùng theo thuật ngữ của Đặng Quốc Minh Vương. Cụm từ tinh - ranh được dùng với ý nghĩa không đề cao cũng không phê phán. Tuy nhiên, do yêu cầu của bài viết nên chúng tôi dùng thuật ngữ tinh - ranh với ý nghĩa chủ yếu là ngợi ca. Xem thêm Đặng Quốc Minh Vương, Kiểu truyện con thỏ tinh - ranh trong truyện cổ Việt Nam (2005), Luận văn thạc sĩ Văn học, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh.

15. Xem thêm Khing Hoc Dy (tuyển dịch tiếng Pháp) và Trịnh Thu Hồng (dịch tiếng Việt) (2002), Truyền thuyết và chuyện kể Khơ-me, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội, trang 87, 123.

Tin & ảnh: Kim Thanh - Huyền Trân


Trung tâm Học liệu - Phát triển Dạy và Học

Số 126 - Nguyễn Thiện Thành, Khóm 4, phường 5, Thành phố Trà Vinh - Tỉnh Trà Vinh.

Điện thoại: (+84).294.3855246 số nội bộ: 232. Fax: (+84).294.3855217. Email: lrc@tvu.edu.vn