Tác giả: Lê Nguyễn Minh Trí. TS. Nguyễn Ngọc Thơ (người hướng dẫn khoa học).

Trường Đại học Trà Vinh. Năm: 2015. Mô tả: 168Tr. Kích thước: 30cm. Số định danh: . Vị trí: Phòng Tài nguyên nội sinh

Tóm tắt:

Người Hoa Triều Châu là một bộ phận của người Hán đã di cư, định cư và phát triển tại vùng đất Vĩnh Long từ rất lâu, hầu như là cùng lúc với người Việt. Chính sự hiện diện của họ tại đây đã tạo nên một vùng đất Vĩnh Long với những nét văn hóa khá phong phú và đa dạng.

Quan niệm về tang ma của người Hoa Triều Châu chịu sự ảnh hưởng bởi các quan niệm về linh hồn trong tín ngưỡng vạn vật hữu linh cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Nho giáo.

Việc tang được người Triều Châu nói tránh là pệch xừ (白事, bạch sự) được tính từ thời điểm người ta hấp hối. Nghi lễ đầu tiên phải làm là chăm sóc cho người thân lúc lâm chung, đây là một nghi lễ quan trọng, nó thể hiện sự hiếu thuận của con cháu đối với người sắp ra đi.

Khi người thân hấp hối sẽ được chuyển ra vị trí ở giữa nhà, đầu hướng ra cửa. Theo tập quán, khi gia đình có người già lâm trọng bệnh, con cháu gần xa sẽ sớm được báo tin để kịp bôn tang (về gặp người thân lần cuối).

Phong tục Tang ma truyền thống của người Hoa Triều Châu nhìn chung được chia làm 03 giai đoạn với nhiều nghi thức, lễ nghi rất phức tạp.

Lễ Chiêu hồn: người xưa gọi Chiêu hồn là "Phục" với ý nghĩa là hô gọi hồn phách người quay về thể xác, hy vọng đạt được sự phục sinh.

Nghi thức Mộc dục (lau rửa thi thể): Theo truyền thống, khi cha hoặc mẹ mất thì người con trai lớn phải mang bình hoặc siêu đi ra bờ sông hoặc sang nhà hàng xóm để xin mua nước về tắm cho cha mẹ.

Nghi thức lễ Liệm: Lễ liệm hay còn gọi là tiểu liệm hoặc sơ liệm được bắt đầu từ khi người thân đã tắt thở.

Nghi thức Phạn Hàm: Lễ Phạn Hàm (饭含) là nghi thức đúc cơm báo hiếu với chữ "Phạn" tức là cơm, chữ "Hàm" tức là ngậm. Sau khi tắm gội và thay quần áo mới cho người chết xong thì người ta sẽ tiến hành lễ Phạn Hàm.

Nghi thức Đại Liệm: Lễ Đại liệm còn gọi là nghi thức nhập liệm, đây là nghi thức cầu siêu để chuẩn bị đưa thi thể người quá cố vào quan tài.

Nghi thức Nhập quan: Nghi thức Nhập quan của người Hoa Triều Châu phải bắt đầu từ việc lựa chọn cổ áo quan. Quan tài truyền thống của người Hoa Triều Châu thường được gọi là hòm mang cá.

Nghi thức cầu siêu: Người Hoa Triều Châu có đời sống tâm linh đan xen nhiều tầng, lớp văn hóa rất phức tạp và khó lý giải, cho nên nghi thức cầu siêu trong tang ma của họ cũng rất phức tạp.

Nghi thức Thấn (Quàn): Trong thời gian chờ tới ngày giờ tốt để đem linh cữu người đã khuất đi chôn, người ta để linh cữu người đã khuất tại nhà để bạn bè, hàng xóm, láng giềng phúng viếng, đây cũng là thời gian để chờ đợi người thân đi làm ăn phương xa chưa về kịp.

Nghi thức Xuất thấn (chôn): Đúng ngày, giờ gia tang bắt đầu thực hiện nghi lễ tiễn đưa người quá cố đi chôn cất. Người Hoa Triều Châu gọi nghi thức Xuất thấn là Xúc xua (出山, xuất sơn).

Các nghi thức sau khi chôn cất và lễ giỗ: Theo phong tục truyền thống của người Hoa Triều Châu, tang lễ kết thúc người ta bắt đầu dựng Xuân đường (椿堂) hoặc Huyên đường (萱堂) tùy theo giới tính người quá cố để thờ phụng người đã khuất.

Theo phong tục, người ta phải chịu tang 03 năm, nhưng ngày nay họ thường thực hiện xả tang trong các lần cúng thất hoặc 100 ngày.

Tang lễ của người Hoa Triều Châu là sự kiện quan trọng nhất của gia đình, gia tộc, dòng tộc và cả cộng đồng xã hội xung quanh. Các nghi thức lễ tang làm nổi bật nét đặt trưng trong văn hóa tộc người của người Hoa Triều Châu.

Hiện nay, việc biến đổi văn hóa trong lễ tang của người Hoa Triều Châu ở Vĩnh Long diễn ra khá mạnh mẽ do các điều kiện về dân số, kinh tế, xã hội… nên Đảng và Nhà nước cần có nhiều hơn nữa những chủ trương, chính sách để có thể bảo tồn đặc trưng văn hóa tộc người của người Hoa nói chung. Qua đó góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.