Tác giả: Nguyễn Xuân Nghiêm. PGS. TS. Phan An (người hướng dẫn khoa học).

Trường Đại học Trà Vinh. Năm: 2015. Mô tả: 147Tr. Kích thước: 30cm. Số định danh: 392.50959787 / Ngh304. Vị trí: Phòng Tài nguyên nội sinh.

Tóm tắt:

Từ khi Việt Nam ta mở cửa hội nhập quốc tế thì vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nói chung, là một hiện tượng bình thường, phù hợp với qui luật tự nhiên của xã hội, pháp luật Việt Nam không hề ngăn cấm. Nhưng vấn đề đặt ra là trong những năm gần đây, tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài là vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, nhiều cô gái Việt Nam khi về nhà chồng bị hành hạ, ngược đãi do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... và sau đó trở về quê hương đã kéo theo hệ quả là những đứa con lai về Việt Nam với mẹ vướng phải các thủ tục pháp lý liên quan đến Luật cư trú, hộ khẩu và quốc tịch cũng như quyền lợi trong học hành, chăm sóc sức khỏe...

Chúng ta không thể phủ nhận sự thật là hôn nhân có yếu tố nước ngoài là kết quả của toàn cầu hóa trong lĩnh vực kinh tế trên thế giới. Hiện nay, chúng ta nhìn nhận và xem hôn nhân có yếu tố nước ngoài là điều rất tựnhiên và bình thường và toàn cầu hóa theo dòng chảy kinh tế. Như vậy , việc phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ huyện Bình Tân quyết định đi đến hôn nhân với người Đài Loan, người Hàn Quốcđều xuất thân từ những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn,không có công việc ổn định, chủ yếu sống dựa vào gia đình, trình độ học vấn thấp, không có điều kiện tiếp cận thông tin, càng không am hiểu về pháp luật. Do đó họ mong muốn kết hôn với người nước ngoài để có cuộc sống sung túc hơn.

Từ góc nhìn văn hóa, có thể thấy rằng những người kết hôn có yếu tố nước ngoài phải đối mặt với những vấn đề về tiếp nhận văn hóa và thích ứng văn hóa Đài Loan, Hàn Quốc. Quá trình tiếp nhận và thích ứng văn hóa là một quá trình lâu dài và cần sự nỗ lực của cá nhân cũng như sự giúp đỡ của cộng đồng. Nếu trước đây các cuộc hôn nhân chỉ diễn ra trong phạm vi quốc gia thì đến đầu thế kỷ 21 những cuộc hôn nhân đã chuyển hướng ra nước ngoài và gia tăng nhanh chóng. Qua thực tế cho thấy, việc phụ nữ huyện Bình Tân kết hôn có yếu tố nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể cho kinh tế của gia đình và xã hội, và các cuộc kết hôn này cũng cho ta thấy rõ nét các trường hợp hôn nhân có kết quả tại nước sở tại Đài Loan, Hàn Quốc đã tạo được mối quan hệ ban giao của Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, ở huyện Bình Tân vẫn còn một số cuộc hôn nhân chưa theo như ý muốn và hậu quả là thất bại trở về quê hương, và đã gây bức xúc dư luận địa phương, làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự.

Có thể nói, ngoài những lý do nêu trên phụ nữ huyện Bình Tân kết hôn với người nước ngoài còn có những yếu tố khác như: kết hôn để được bảo lãnh ra nước ngoài, kết hôn để được nhập quốc tịch nước ngoài, kết hôn để được bằng chị bằng em… các nguyên nhân này tuy không chủ yếu nhưng lại là những nguyên nhân có thực đang tồn tại ở huyện Bình Tân. Nghị định 68/2002/NĐ-CP và Nghị định 69/2006/NĐ-CP cho phép từ chối đăng ký kết hôn, nhưng Bộ Tư pháp chưa có văn bản hướng dẫn xác định các căn cứ cụ thể làm cơ sở cho việc từ chối, cũng như hướng dẫn hoạt động cho trung tâm hỗ trợ kết hôn trong việc thực hiện chức năng tư vấn, môi giới hôn nhân. Vấn đề cấp bách hiện nay là Ngành tư pháp cần phải phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và một số cơ quan hữu quan tham mưu hoàn chỉnh các quy định hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để bộ ngành Trung ương trình Chính phủ và Quốc Hội phê duyệt. Cần tăng cường hơn nữa việc hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra các địa phương trong việc thụ lý, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, tiêu cực trong công tác này. Các ngành các cấp phải chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đặc biệt, phải quan tâm đến việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống cho những phụ nữ còn khó khăn, những phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và những người bị buôn bán hoặc do hôn nhân bất hạnh trở về quê hương làm ăn sinh sống. Việc tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng các gương điển hình, tiên tiến, những người biết vượt lên số phận, hay tổ chức những cuộc tọa đàm, trao đổi trực tiếp với những người đã từng là nạn nhân của buôn bán, bất hạnh để răng đe mà đề tài này đã đề cặp mà theo tôi đây là những việc nên làm ngay.