User Rating: 3 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar InactiveStar Inactive
 

Văn học dân gian phản ánh cuộc sống, tư duy, chuẩn mực và cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên, xã hội và con người qua các thời kì lịch sử. Văn học dân gian Khmer nói chung và văn học dân gian Khmer Nam Bộ cũng là một bộ phận của văn hoá truyền thống Khmer, phản ánh đời sống tinh thần, những phong tục tập quán của người Khmer. Khi đến với khu vực có đông đồng bào người Khmer sinh sống hay tìm hiểu qua sách vở hoặc qua những người am hiểu, tâm huyết với văn hoá Khmer, văn học dân gian Khmer luôn được nhắc đến như một niềm tự hào của người dân Khmer.

Dân tộc Khmer là một dân tộc có chữ viết riêng. Ngôn ngữ Khmer có từ trước công nguyên tức là trước khi dân tộc Khmer-Môn có quan hệ với người Ấn độ. Với lịch sử hơn 2000 năm, ngôn ngữ và văn học Khmer đã phát triển từ vài kí tự đến nay là 33 chữ cái, 24 nguyên âm và 15 nguyên âm độc lập. Bên cạnh chữ viết độc đáo, trong tiếng nói cũng như văn hóa của người Campuchia còn sử dụng ngôn ngữ được mượn của Ấn Độ và chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Quá trình hình thành ngôn ngữ Khmer đặt biệt là chữ viết trong thời kỳ Pháp thuộc đã chụi sức ép rất lớn từ quy định bắt buộc các nước trên bán đảo Đông Dương phải sử dụng chữ La-tinh. Nhưng dân tộc Khmer đặc biệt là các nhà sư đã hi sinh đấu tranh với thực dân Pháp để giữ gìn văn hóa Khmer cho đến ngày nay. Nên nhân dân Khmer hết sức tự hào, vì chính việc giữ gìn ngôn ngữ và tiếng nói của dân tộc đã cho thấy sức sống mãnh liệt, trí thông minh, sáng tạo, tinh thần chiến đấu quyết liệt, yêu văn hóa, yêu dân tộc của họ.

 

Đã từ lâu, người Khmer đã biết ghi chép những sáng tác dân gian cũng như các tư liệu văn hóa – tôn giáo mà đến nay vẫn còn tồn tại trên một số bia đá, trên lá buông (gọi là Satra), trên giấy xếp (gọi là Kơrăng). Tuy nhiên so với văn học viết, văn học dân gian truyền miệng vẫn giữ được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cuả người Khmer. Đây có lẽ là điều rất đặc biệt trong đời sống văn hoá nói chung và văn học nói riêng của một dân tộc. Một dân tộc có chữ viết riêng và lâu đời lại phát triển nền văn học của mình bằng con đường truyền miệng. Nhưng đây là điều có thể lí giải và có thể hiểu được. Chữ viết của người Khmer tuy có từ lâu đời nhưng không phổ biến và đa số người Khmer không biết chữ. Lý do là họ chỉ chú trọng học tiếng phổ thông để tiện xin việc làm mà không nhận thức được giá trị của tiếng mẹ đẻ. Việc truyền bá chữ viết và đào tạo bằng tiếng Khmer tuy được Đảng và Nhà nước khuyến khích nhưng còn rất hạn chế. Người Khmer học chữ chủ yếu trong chùa do các nhà sư giảng dạy. Đây là hạn chế cũng là điều kiện để văn học dân gian phát triển. Bên cạnh đó, sự phong phú trong đời sống sinh hoạt văn hóa tôn giáo cũng là mảnh đất màu mỡ ươm mầm và nuôi dưỡng văn học dân gian Khmer phát triển.

Văn học dân gian Khmer có hai khối chính: văn vần và văn xuôi. Bao gồm các thể loại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, dân ca.

1. Văn xuôi

Trong chặng đường phát triển cuả lịch sử dân tộc Khmer như chúng ta đã biết chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những trào lưu văn hóa – tôn giáo Ấn Độ, trước hết là Balamôn giáo và sau đó là Phật giáo. Bên cạnh những ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thì những trào lưu văn hóa – tôn giáo trên đã có ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo văn học nói chung và truyện dân gian nói riêng. Từ truyện thần thoại, truyền thuyết đến cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười phát triển trong quá trình lâu dài tạo nên bản sắc thẩm mĩ riêng, chứa đựng một nội dung lịch sử - xã hội său sắc của dân tộc Khmer.

Trong quá trình cùng chung sống lâu dài trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người Việt và người Khmer đã xây dựng một truyền thống đoàn kết lâu dài và bền vững. Trong đó có sự đồng cảm trong tư duy thẩm mĩ, tư duy phản ánh trong văn học của người Khmer – người Việt. Điều này được phản ánh qua sự tồn tại một số lượng lớn những tác phẩm quen thuộc thường gặp của người Việt như môtip hạt lúa thần, Tấm Cám, hai cây khế, Thạch Sanh, Trạng Quỳnh,…

Cũng như truyện thần thoại các dân tộc khác, thần thoại Khmer cũng phản ánh đời sống con người trong buổi bình minh của lịch sử hình thành vũ trụ và giải thích các hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình tổng hợp các yếu tố thần thoại và tôn giáo Ấn Độ đồng thời với quá trình nhào nặn theo khuôn mẫu phong kiến tuy có làm hệ thống hoá và phong phú hoá thần thoại Khmer nhưng đồng thời cũng làm cho thần thoại Khmer trở nên trừu tượng, có tính chất tự biện hơn là được sáng tạo bởi nếp tư duy thần thoại hồn nhiên thời cổ như: Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, sự tích mưa, gió, mặt trời và mặt trăng, Nàng Mêkhalag,…

Khác với thần thoại, truyền thuyết lại tồn tại dưới dạng từ nguyên địa danh dân gian, giải thích những đặc điểm điạ lí lịch sử. Những tác phẩm này làm nổi bậc tính độc đáo lịch sử và mối quan hệ giữ mẫu đề thần thoại sáng thế bản địa trong các thần thoại đã được hệ thống hoá ở thời kì sau này. Rương Pơ-rêng là thuật ngữ chỉ các truyền thuyết. Cũng giống như thuyền thuyết của văn học dân gian người Việt, truyền thuyết cuả văn học dân gian Khmer có dụng ý giải thích các điạ danh, núi non, sông hồ,…Đặc diểm nổi bậc của truyền thuyết Khmer Nam Bộ là gắn bó chặt chẽ với phong tục và lễ hội như: Sự tích lễ Chôl Chchăm thmây,…Đồng thời cũng nhờ lễ hội, truyền thuyết dân gian cuả người Khmer mới được lưu truyền rộng rãi.

Là một cư dân nông nghiệp, sống tập trung trong vùng đất được tạo thành do sự bồi đắp của sông Tiền, sông Hậu và cùng với sự tác động của thủy triều biển Đông đã tạo ra các giồng cát hình vòng cung, chịu ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên như: hạn hán, lũ lụt,… Tất cả đã sáng tạo ra những câu chuyện phản ánh cuộc sống lao động cuả người dân Khmer trong mối quan hệ xã hội của thời kì đó, như: Sự tích ao Bà Om, Sự tích giếng chị-giếng anh, Sự tích cây dừa nước,…

Thế mạnh cuả văn học dân gian Khmer là thể loại văn xuôi, trong đó có truyện cổ tích. Truyện cổ tích thường mang màu sắc Phật giáo, nội dung thường là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Thân phận con người trong mọi hoàn cảnh được khắc họa rất sinh động. Truyện cổ tích Khmer cũng bao gồm truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích thế sự với các mảng nhân vật vợ chồng, nhân vật xấu xí, nhân vật mồ côi, hiếu thảo,… như: Chiếc cồng ngũ âm thần kì, Hai người bạn, Chàng khố chuối, Chàng cá cóc, Chàng cứt ngựa,… Tuy thường biểu đạt cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa con người với lực lượng thần kì quái dị nhưng truyện cổ tích cũng tập trung biểu lộ rõ nét hiện thực xã hội, những tình cảm lành mạnh và đạo đức của những người lao dộng nghèo khổ. Đây là thế giới quan tôn giáo, quan niệm về cuộc sống là bể khổ và thuyết lí về luân hồi, nghiệp báo của Phật giáo.

Bên cạnh thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, thể loại văn xuôi của văn học dân gian Khmer còn có truyện ngụ ngôn và truyện cười. Trong đó, truyện cười được thích thú hơn cả bởi nó mang lại tiếng cười vui tươi, hóm hỉnh, sảng khoái và còn là bài học có ý nghĩa thâm thúy. Truyện ngụ ngôn phổ biến là 2 tập hợp phong phú: xử kiện và thỏ thông minh. Tất cả nhằm khẳng định trí thông minh của con người và bộc lộ lòng khát khao công lí. Còn trong truyện cười thì việc phản ánh mâu thuẫn giai cấp đang ngày càng gay gắt là đề tài chủ yếu. Quá trình đấu tranh trực diện và công khai với giai cấp phong kiến được thể hiện nổi bật từ đầu đến cuối truyện.

Nhìn chung truyện văn học dân gian Khmer Nam Bộ rất phong phú và phát triển trong quá trình dài đã tạo được bản sắc thẩm mĩ riêng. Và quan trọng hơn là có mối quan hệ đặc biệt với thể loại văn vần.

2. Văn vần

Tuy không phong phú bằng thể loại văn xuôi nhưng nó cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như tôn giáo cuả đồng bào Khmer.

Có nhiều thuật ngữ để chỉ những câu nói có nội dung nêu lên một nhận xét, một kinh nghiệm, một lời khuyên răn cụ thể nào đó. Trong đó thuật ngữ sôphiasit thường được sử dụng như một pho kinh nghiệm đặc biệt phong phú về nhiều mặt. Nội dung tục ngữ Khmer rất phong phú, phản ánh toàn diện các mặt sinh hoạt và tư duy cuả nhân dân lao động, bao gồm: những kinh nghiệm trong sản xuất, trong mối quan hệ gia đình, lời khuyên trong cách cư xử, những câu nói về đạo lí, cách sống ở đời, phê phán những bất công trong xã hội, những thói hư tật xấu của con người,…Do tính chất hàm xúc và hình tượng cao, sôphiasit có tác dụng nhất định đến truyện dân gian Khmer – nhất là truyện ngụ ngôn. Có rất nhiều truyện được sáng tạo ra để minh hoạ cho một câu sôphiasit và ngược lại, có khi truyện ngụ ngôn dùng sôphiasit để khái quát nội dung truyện. Đây là sự kết hợp sáng tạo rất độc đáo giữa các thể loại văn học dân gian Khmer.

Đời sống sinh hoạt tinh thần của người Khmer gắn liền với các lễ hội. Và trong mỗi dịp lễ tiết đó, hình thức diễn xướng là một phần không thể thiếu. Nó không chỉ là thành phần hữu cơ của nghi lễ mà còn là những tư liệu ngôn từ biểu hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Ngoài ra đối với người Khmer không phải là trường hợp cá biệt mà dường như mọi người từ già đến trẻ, cả gái lẫn trai ai cũng biết hát, nên dân ca Khmer không chỉ tồn tại trong sinh hoạt nghi lễ mà cả trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt đời thường. Ca hát dân gian trong nghi lễ chứa đựng khát vọng lớn lao về sự ấm áp và hạnh phúc, nảy sinh khát vọng làm chủ thiên nhiên khi khả năng còn hạn chế. Những khát vọng này đã phần nào làm lu mờ những yếu tố tín ngưỡng để nhường chỗ cho những gì rất thế tục, những gì thuộc về nỗ lực của con người:

“Tất cả mọi người: người già cả, các cô gái và những bà mẹ.

Hãy chú ý nghe tôi tạ ơn thần Hồn Lúa.

Khi đã chuẩn bị dây cột cày, dây cột bừa,

Tôi đã đi cày, đi bừa, đi gieo hạt giống và đi nhổ mạ.

Lưng tôi rám khô dưới nắng,

Tay tôi dựa trên “thorơrây”

Tôi gặt một bó lúa: được một Kờta

Tôi gặt một gánh: được một cộ đầy.”

(Bài ca tạ ơn thần Brôlưng Srâu)

Bên cạnh những bài ca trong nghi lễ thì những bài ca trong lễ cưới, những khúc hát trữ tình về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, khúc hát đối đáp giao duyên, những khúc hát ru, những bài hát trong các trò chơi,… đã đưa thể loại dân ca trở nên giản dị và gần gũi hơn. Một đặc điểm quan trọng của dân ca Khmer là ít có mối quan hệ với các dạng thức lao động. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nội dung của dân ca Khmer. Dường như có sự phân định khá rạch ròi giữa các hình thức trong nghi lễ với hình thức diễn xướng trong các hoàn cảnh khác. Sự bông đùa, trêu ghẹo tuy chiếm một tỉ lệ khá lớn nhưng không được chấp nhận trong các dịp hội lễ khi nó được tổ chức trong khuôn viên chùa. Nhưng nhìn chung tất cả đã tồn tại và phát triển trong môi trường sinh hoạt văn hoá phong phú cuả đồng bào dân tộc Khmer.

3. Kết luận

Dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sưu tầm, lưu giữ, truyền bá cũng như những điều kiện để văn học dân gian tiếp tục phát triển trong đời sống của đồng bào Khmer nhưng những nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, khi ánh sáng của nền văn minh nhân loại đã đi vào các phum sóc, những gì lạc hậu đã bị đào thải và những tinh hoa của văn học – nghệ thuật dân gian vẫn còn tồn tại dưới dạng tự nhiên và sinh động trong đời sống văn hóa của người dân Khmer. Tuy nhiên để có một chiến lược phát triển lâu dài, cần lắm những sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là những nhà khoa học, những nhà văn hóa tâm huyết với sự tồn tại và phát triển của văn hóa Khmer nói chung và văn học dân gian Khmer nói riêng. Thành quả đạt được không chỉ dành riêng cho người dân Khmer mà sẽ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa vốn đã rực rỡ của dân tộc Việt Nam.

Ths. Nguyễn Thị Kiều Tiên - Trường Đại học Trà Vinh

Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

 

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Tuyết Loan, Nguyễn Tấn Đắc, Tuyển tập văn học Camphuchia, Nxb. Văn học, 1986.

2. Huỳnh Ngọc Trảng (cb), Người Khmer tỉnh Cửu Long, Sở VH-TT tỉnh Cửu Long, 1987.